Bổ sung “biện pháp bảo đảm” trong Hợp đồng, Giao dịch dân sự là rất quan trọng!

Bài viết này Luật sư Bình – luatsumiendong.vn sẽ tư vấn cho bạn 02 lưu ý “phân biệt nghĩa vụ” và “bổ sung biện pháp bảo đảm” trong hợp đồng hoặc giao dịch dân sự với cá nhân, tổ chức.

Luật sư tư vấn hợp đồng dân sự, hợp đồng thương mại
Luật sư tư vấn hợp đồng dân sự, hợp đồng thương mại

Tư vấn thỏa thuận, hợp đồng Công chứng

Biện pháp bảo đảm là gì?

Hiện chưa có quy định cụ thể khái niệm biện pháp bảo đảm là gì, chúng ta có thể hiểu chung biện pháp bảo đảm là việc cá nhân, tổ chức nào đó cam đoan chịu trách nhiệm để chắc chắn giữ gìn được, hoặc thực hiện được, hoặc có được để đạt mục đích mà các bên đề ra. Trường hợp mục đích không đạt được do có sự vi phạm nghĩa vụ thì bên nào vi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp bảo đảm theo thỏa thuận.

Các biện pháp bảo đảm hiện nay là gì?

Biện pháp bảo đảm có thể được lập thành Hợp đồng hoặc là một điều khoản trong hợp đồng khác, theo quy định tại Điều 292 BLDS có các biện pháp bảo đảm là: Cầm cố tài sản; Thế chấp tài sản; Đặt cọc; Ký cược; Ký quỹ; Bảo lưu quyền sở hữu; Bảo lãnh; Tín chấp; Cầm giữ tài sản.

Như vậy, khi nói biện pháp bảo đảm có thể xa lạ với nhiều người, nhưng thực tế lại rất phổ biến thể hiện qua các dạng hợp đồng cầm cố, đặt cọc, thế chấp, bảo lãnh, …

Phân biệt trách nhiệm hữu hạn với trách nhiệm vô hạn

  • Cá nhân khi tham gia giao dịch dân sự phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng tất cả tài sản cá nhân của mình
  • Chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã góp vào tổ chức, doanh nghiệp trừ trường hợp Hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân và Công ty hợp danh có thể phải chịu thêm trách nhiệm vô hạn hoặc liên đới.

Như vậy, cần phân biệt rõ trách nhiệm của Cá nhân A với Công ty do A làm người đại diện pháp luật/chủ sở hữu/thành viên góp vốn/cổ đông nếu Công ty đó là Công ty TNHH, Công ty cổ phần. Nghĩa vụ trả nợ (nếu có) của Công ty A không liên quan gì tới tài sản Cá nhân của A đang làm Người đại diện theo pháp luật/chủ sở hữu/thành viên góp vốn hay cổ đông của Công ty A.

Áp dụng vào tình huống thực tế bạn có thể gặp ông A nào đấy có uy tín, giàu có nhiều tài sản, khi bắt đầu mối làm ăn này, ông A đề nghị với bạn ký kết hợp đồng với Công ty của ông A (hợp đồng mua bán, thuê, vay, gia công, đặt cọc mua đất với công ty BĐS, …..) nghe thì rất uy tín đấy nhưng bản chất thì chưa. >> Công ty A chịu trách nhiệm hữu hạn trên phần vốn đã góp của chủ sở hữu/thành viên góp vốn/cổ đông. Nên nếu Công ty A (của ông A làm giám đốc/chủ sở hữu/cổ đông) phải trả nợ cho bạn theo hợp đồng đã ký mà tài sản của Công ty A không có để trả nợ bạn cũng không có quyền đòi ông A phải trả bằng tài sản cá nhân của họ.

Vậy phải làm thế nào để tài sản của bạn an toàn khi ký hợp đồng với Công ty của ông A hay bất kỳ cá nhân nào?

Như tôi đã nói ở trên trách nhiệm của Công ty là hữu hạn, nên có thể bạn sẽ ưu tiên ngay việc ký kết hợp đồng với Cá nhân. Tuy nhiên, thực tế có nhiều lý do bạn buộc phải ký hợp đồng với Công ty A thay vì ký với hợp đồng với cá nhân A (xuất hóa đơn, hải quan, thuế, …) hoặc thực tế là bạn đang giao dịch với công ty A thì ký với công ty chứ sao có thể ký với cá nhân A được. Giải pháp an toàn  là bổ sung biện pháp bảo đảm: Cầm cố tài sản; Thế chấp tài sản; Đặt cọc; Ký cược; Ký quỹ; Bảo lưu quyền sở hữu; Bảo lãnh; Tín chấp; Cầm giữ tài sản.

Nếu đối tác không chấp nhận biện pháp cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược,… (giao tài sản/quyền tài sản đảm bảo cho bạn) thì bạn nên tiếp tục đàm phán với họ yêu cầu áp dụng biện pháp bảo lãnh. Trong mọi trường hợp hãy cố gắng đàm phán để ghi thêm điều khoản là Cá nhân ông A, … đứng ra cam kết chịu trách nhiệm “bảo lãnh” cho nghĩa vụ của công ty A trong trường hợp Công ty A vi phạm nghĩa vụ thì ông A,… sẽ trả thay.

Trong trường hợp này phải ưu tiên biện pháp bảo lãnh. Tại sao? Nói dễ hiểu là công ty A của ông chưa đủ uy tín với tôi, muốn ký hợp đồng thì ông phải đứng ra nhận bảo lãnh, công ty ông vi phạm hợp đồng mà không có tiền bồi thường thì ông phải bồi thường.

Lưu ý: một số giao dịch giao dịch bảo đảm có quy định bắt buộc về mặt hình thức và phải đăng ký giao dịch bảo đảm (vd: thế chấp QSDD, …).

Mẫu đơn, mẫu hợp đồng

Giải pháp thu hồi nợ, buộc đền bù thiệt hại trong trường hợp Công ty không có khả năng trả nợ mà không có cá nhân đứng ra bảo lãnh chịu trách nhiệm là gì?

Ở đây, tôi nói đến trường hợp bạn đã ký hợp đồng với Công ty A, công ty A vi phạm nghĩa vụ phải trả cho bạn một số tiền nhưng công ty lại không có bất cứ tài sản gì. Điều này thực sự bất lợi, giải pháp cứu cánh là “tố giác tội phạm” ông A tội phạm hình sự về lạm dụng, tham ô, lừa đảo, … do Cá nhân A đã chuyển tài sản của Công ty A bất hợp pháp thành tài sản cá nhân dẫn đến công ty A không còn tài sản để trả nợ cho bạn (nếu có).

Tuy nhiên việc chứng minh khó, ít có tiền lệ xử lý hình sự vì có chiêu cứu cánh dân sự hóa hành vi này.

Kết luận, ký hợp đồng với công ty A giao tài sản của mình cho họ trong khi công ty A mới thành lập được vài tháng, không có tài sản gì thì chẳng khác nào bạn đang cho vay tín chấp. Việc chấp nhận ký hợp đồng với công ty A  này mà không có cá nhân A đứng ra bảo đảm thì giống như bạn đang tạo điều kiện cho lòng tham, không muốn trả tiền hay cố tình vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng của họ. Ngược lại, nếu người này kinh doanh tử tế thì chẳng có lý do gì không “dám” ký điều khoản về biện pháp bảo đảm. Bạn nên cân nhắc từ chối ký hợp đồng này nếu họ không chấp nhận biện pháp bảo đảm nêu trên.

[Ls Bình – 0779 288 883]

Để lại một bình luận