Quang Linh Vlog liệu có vô can? Bài học cho “đồng phạm” làm ngơ pháp luật!

Bài viết này chúng tôi cung cấp một góc nhìn khác hơn cho bạn đọc, chúng ta sẽ biết hàng giả, hàng nhái là gì sau đó trả lời câu hỏi “không biết” có phải “không có tội” từ trường hợp của Quang Linh Vlog.

Luật sư bào chữa cho Quang Linh Vlog
Luật sư bào chữa cho Quang Linh Vlog

Hàng giả là gì? Hàng nhái là gì?

Hàng giả là gì? heo khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì hàng giả bao gồm:

“7. “Hàng giả” gồm:

a) Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

c) Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;

d) Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;

đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

e) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.”

Có thể hiểu tương đối ngắn gọn hàng giả là (1) hàng giả về hình thức (nhãn hiệu, bao bì, tem nhãn, …, chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ, …) và (2) hàng giả về chất lượng (công dụng, giá trị sử dụng, thành phần, chỉ tiêu chất lượng, …) không đúng sựt thật với nội dung đã công bố.

Ví dụ:

  • Kẹo Kera công bố sai sự thật về thành phần, nguồn gốc xuất xứ, công dụng, … ;
  • Bột ngũ cốc tăng cân hiệu** công bố sai sự thật về thành phần, có chứa Corticosteroid giúp giữ nước, giữ muối tạo hiệu ứng tăng cân giả .. gây suy thận ở trẻ em.

Hàng nhái là gì?

Hiện không có quy định cụ thể về thuật ngữ “hàng nhái”, pháp luật có quy định về “hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ” theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2022 hoặc “hàng kém chất lượng”:

“Điều 213. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ

1. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, hàng hóa sao chép lậu quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

2. Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.

3. Hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó và việc gắn dấu hiệu này được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân không có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định tại khoản 4 Điều 121 của Luật này hoặc theo pháp luật của nước xuất xứ của chỉ dẫn địa lý đó.

4. Hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan.”

Vậy, có thể hiểu cơ bản, “hàng nhái” là một loại hàng giả nếu các thông tin cung cấp trên bao bì nhãn hiệu sai sự thật. (Ví dụ: bánh DaMisa nhái bánh DaNisa nhưng ghi tất cả các thông tin về thành phần, chỉ dẫn địa lý giống bánh Danisa thì đây là hàng giả; Nếu bánh nhái DaMisa cung cấp thông tin trên bao bì về thành phần, chỉ dẫn, nguồn gốc xuất xử …. đúng sự thật thì không phải hàng giả mà là hàng nhái và có thể bị truy cứu về tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 226 BLHS).

Vậy, “không biết” có phải là “không có tội” từ trường hợp của Quang Linh Vlog?

Để trả lời cho câu hỏi này cần đi sâu  lý luận pháp luật và quy định về đồng phạm của BLHS.

Người bị buộc tội gồm những ai? Người bị buộc tội khi nào được coi là có tội?

Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Đến thời điểm hiện tại Quang Linh VLog không được coi là có tội mà chỉ đang bị Cơ quan chức năng buộc tội, việc tạm giữ, tạm giam chỉ là biện pháp ngăn chặn sử dụng trong Tố tụng hình sự để phục vụ điều tra, đảm bảo thi hành án, ngăn chặn hành vi tội phạm tái diễn, …. Vậy nên vẫn có thể  sau khi điều tra Cơ quan tố tụng xác định được bị can Linh không có tội hoặc phạm tội khác nhẹ hơn.

Quang Linh Vlog không biết thì liệu có thoát tội?

Pháp luật cụ thể hóa từ lý luận đến thực tế “buộc” người phạm tội phải biết khi thực hiện hành vi là sai trái và phải chịu trách nhiệm hình sự (vd: đổ xăng đốt nhà và biết trong nhà có người …dẫn tới hậu quả người chết hoặc bị thương. Vậy người đốt nhà “buộc” phải biết việc đốt nhà có thể dẫn đến hậu quả chết người nên ngoài việc bị truy tố về tội hủy hoại tài sản còn bị truy tố về tội giết người; … Sẽ truy tố tội giết người đối với nữ nghi phạm đốt xe làm cháy nhà khiến nhiều người thương vong!)

Ở trường hợp của Quang Linh Vlog, mấu chốt ở chỗ bị can “có biết” hay “buộc phải biết” các sản phẩm kẹo Kera mà bị can bán không làm từ rau củ, chứa bitol, … hay không ? Qua thông tin báo chí chúng ta biết bị can Linh là cổ đông của công ty, Linh cùng với các bi can tham gia từ khâu sản xuất, bán háng, Linh cung cấp thông tin về công dụng, thành phần, nguồn gốc hàng hóa, vùng trồng nguyên liệu, … sai sự thật. Như vậy, bị can Linh “buộc phải biết” đây là hàng giả, bị can không thể trình bày với cơ quan tố tụng là bị can không biết, bị can chỉ làm theo ông A, ông B nào đó thôi … là không được chấp nhận vì bị can đã thành niên, có đủ nhận thức và năng lực trách nhiệm hình sự. Sau đó, bị can Linh cũng thừa nhận nhận thức rõ hành vi của mình là sai, bị can Linh đã “biết” nên việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là gần như chắc chắn!

Pháp luật có quy định cụ thể trường hợp nào là “buộc phải biết” hay không?

Hiện không có hướng dẫn cụ thể như thế nào là “buộc phải biết” mà chúng ta, cơ quan tố tụng sẽ đi vào việc phân tích 04 yếu tố cấu thành vi tội phạm và hành vi của người “đồng phạm” theo quy định của Bộ luật hình sự. Phần này thiên về lý thuyết và lý luận mà Luật sư sử dụng để bào chữa cho bị can, bị cáo sẽ rất dài và cần cụ thể từng trường hợp nên tôi sẽ không nêu trong phạm vi bài viết này. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm qua ví dụ khác tại  Cổ vũ, xúi giục người khác phạm tội có phạm tội không?

Qua vụ việc trên cho thấy, pháp luật gắn liền với đời sống hàng ngày, bản thân mỗi người chúng ta cần tích lũy kiến thức pháp luật, không chủ quan và xem thường các quy định pháp luật để tránh vướng phải những hậu quả đáng tiếc.

#Ls Bình

Chia sẻ bài viết này:

Để lại một bình luận