Người làm giả giấy xét nghiệm, sử dụng giấy xét nghiệm Covid-19 giả bị tội gì?

Làm giả giấy xét nghiệm covid-19 hoặc sử dụng giấy xét nghiệm giả bị xử lý như thế nào? Việc làm giả bất cứ loại giấy tờ nào do cơ quan tổ chức hoặc cá nhân khác là điều vi phạm pháp luật, tuỳ vào mức độ hành vi mà hành vi đó sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sử dụng giấy xét nghiệm covid 19 giả

Căn cứ theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định:

“Điều 14. Vi phạm quy định khác về y tế dự phòng

…2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, trừ các trường hợp quy định tại các điều 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 và 13 Nghị định này”.

Như vậy, hành vi cố tình sử dụng giấy tờ xét nghiệm giả nêu trên được xem như vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh của Chính phủ đã ban hành và bị xử phạt theo quy định trên.

Truy cứu trách nhiệm hình sự người làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người?

Khi sử dụng giấy xét nghiệm giả khiến mà cá nhân đó lây truyền dịch bệnh truyền nhiễm cho người khác thì tuỳ theo mức độ, hậu quả của hành vi gây ra mà truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, với mức án cao nhất lên đến 12 năm tù

“Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Làm giả giấy xét nghiệm covid-19 bị truy cứ tội gì?

Trường hợp cá nhân làm giả giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 là cán bộ, công chức, người có quyền sử dụng con dấu làm giả giấy tờ, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác thì có thể bị xử lý kỷ luật mang tính nội bộ. Hình thức kỷ luật áp dụng tại Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 bao gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, giáng chức, bãi nhiệm, hạ bậc lương, buộc thôi việc.

Xử lý hình sự người làm giả giấy tờ, tài liệu?

Ngoài ra, nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, hành vi làm giả giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn có thể bị xử lý hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức tại Điều 341 Bộ luật hình sự 2015 với mức án tối đa lên tới 07 năm tù.

“Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức 348

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: 

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Chia sẻ bài viết này:

Trả lời