Mục lục
Chồng trộm tiền vợ có phạm tội hay không? Vụ việc chồng trộm 3 tỷ của vợ ở Quảng Nam!
Trong đời sống phát sinh các tình huống pháp lý hi hữu chồng trộm tài sản của vợ hoặc ngược lại. Bài viết này nêu chi tiết, cụ thể căn cứ pháp luật, quan điểm và đánh giá để trả lời câu hỏi chồng trộm tiền vợ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không.
Vợ chồng không đăng ký kết hôn có được hưởng thừa kế của nhau khi nào?
Sự việc thực tế chồng trộm tiền vợ:
Khoảng 13h ngày 31/1, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Nam tiếp nhận tin báo việc bà Nguyễn Thị M. (SN 1970, trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) bị kẻ gian đột nhập trộm cắp tài sản để trong két sắt trị giá gần 3 tỷ đồng cùng nhiều trang sức có giá trị được cất giữ trong phòng ngủ của bà.
Phòng Cảnh sát hình sự – Công an tỉnh Quảng Nam đã nhanh chóng triển khai lực lượng trinh sát, điều tra nhận định đối tượng nghi vấn thực hiện vụ trộm trên là Đ.V.T (SN 1969, chồng bà M.). Bước đầu, chồng bà M đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình.
T. và bà M. là vợ chồng nhưng đã ly thân từ nhiều năm nay, sống chung nhà nhưng không ở chung phòng. Tài sản thu nhập có được từ việc kinh doanh, buôn bán hải sản bà M. cất giữ trong két sắt để trong phòng ngủ của mình.
Giữa T. và bà M. có sự mâu thuẫn, tranh chấp về tiền bạc trong sinh hoạt nên T. nảy sinh ý định trộm cắp tài sản cất giữ trong phòng bà M.. Sáng 31/1, khi T. thức dậy, biết bà M. đã đi làm nên T. vào phòng ngủ của bà M., mở két sắt và lấy toàn bộ tài sản bên trong bỏ vào túi ni lông, sau đó đem cất giấu tại nhà kho sau nhà.
Mẫu thỏa thuận chia tài sản vợ chồng trong hôn nhân
Quy định pháp luật về tội trộm cắp tài sản
Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định mức hình phạt về tội trộm cắp tài sản mà không nêu định nghĩa hành vi trộm cắp tài sản. Trong phân tích tội phạm mặt khách quan của trộm cắp tài sản là “hành vi lén lút bí mật đối với người quản lý tài sản để chiếm đoạt tài sản” nhằm xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp tài sản của nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Trong đó, hành vi “chiếm đoạt” được hiểu là “hành vi cố ý chuyển dịch trái pháp luật tài sản của chủ sở hữu tài sản thành tài sản của mình”.
Trong tình huống, bắt buộc cơ quan phải điều tra làm rõ ông T dấu 3 tỷ của vợ ở phía sau nhà nhằm mục đích gì, nếu đúng nhằm mục đích chiếm đoạt là điều kiện cần để xác định ông T có phạm tội. Tiếp đó, cần xác định được tài sản bà M là tài sản chung vợ chồng hay là tài sản riêng, nếu là tài sản chung thì phần tài sản của bà M là bao nhiêu để làm căn cứ giải quyết vụ án.
Chủ sở hữu tài sản là ai?
Chủ sở hữu tài sản là người có quyền sở hữu tài sản, quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản.
Tài sản của vợ/chồng làm ra khi ly thân có phải tài sản riêng?
Ly thân là gì?
Tại Việt Nam, pháp luật không quy định cụ thể ly thân là gì. Có thể hiểu, ly thân mô tả quan hệ vợ chồng theo đó hai người không còn chung sống, ăn ở với nhau, nhưng vẫn chưa ly hôn. Ông T và bà M chỉ ly thân nhưng chưa ly hôn là vợ chồng hợp pháp.
Tài sản chung của vợ chồng gồm những gì?
Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình, tài sản chung vợ chồng gồm:
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Vậy sở hữu chung hợp nhất là gì?
Theo quy định tại Điều 210 Bộ luật Dân sự, sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó, phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung. Sở hữu chung hợp nhất bao gồm sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia và sở hữu chung hợp nhất không phân chia. Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản thuộc sở hữu chung.
Nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng
Theo quy định tại Điều 29 Luật Hôn nhân gia đình
1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
2. Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
3. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường.
Tài sản riêng của vợ, chồng gồm những gì?
Theo quy định tại Điều 42 Luật Hôn nhân và gia đình, tài sản riêng của vợ chồng gồm:
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Tài sản riêng khác của vợ chồng quy định tại khoản 1 điều này nêu tại Điều 11 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP:
- Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ;
- Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác;
- Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Mẫu đơn kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, ai có quyền kháng cáo?
*Nhận định của Luật sư:
– Bắt buộc cơ quan phải điều tra làm rõ ông T dấu 3 tỷ của vợ ở phía sau nhà nhằm mục đích gì, nếu đúng chồng lấy và dấu tiền vợ nhằm mục đích chiếm đoạt thì là điều kiện cần để xác định ông T đã phạm tội trộm.
– Chưa thể khởi tố vụ án hình sự do tội trộm cắp tài sản là loại tội phạm vật chất, điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự dựa trên số tiền mà người phạm tội đã chiếm đoạt. Loại tội phạm vật chất này có dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.
Theo nguyên tắc chung về chế độ tài sản vợ chồng thuộc loại tài sản chung hợp nhất, có thể phân chia, ông T, bà M có phần quyền sở hữu trong số 3 tỷ này. Trong đó “sở hữu chung hợp nhất” khác với “sở hữu chung theo phần” khi chủ sở hữu không xác định rõ phần tài sản của mình là bao nhiêu trong tổng tài sản chung. Đặt trường hợp phần tài sản của bà M là dưới 2.000.000đ trong tổng số 3 tỷ tài sản chung, không đủ cấu thành tội phạm tại điều 173 BLHS (theo nguyên tắc suy đoán vô tội).
– Để truy cứu hình sự tội phạm này và xét xử đúng người đúng tội, buộc phải xác định phần tài sản của từng người, xác định bà M có bao nhiêu tài sản trong tổng số tiền 3 tỷ để làm căn cứ định khung hình phạt. Để đảm bảo sự khách quan của vụ án, các bên không thể tự thỏa thuận phần tài sản mà Tòa án là người phân chia khối tài sản này để có căn cứ truy cứu trách nhiệm.
Lưu ý rằng, để xác định tội phạm trong thực tế phải đủ 04 yếu tố cấu thành tội phạm trên các chứng cứ, lời khai, …để kết luận điều tra hành vi phạm tội.
Chúng tôi cho rằng, nếu ông T dấu tiền vợ nhằm mục đích chiếm đoạt thì sẽ bị truy cứu hình sự về tội trộm, việc khởi tố vụ án như thế nào cho đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự là bài toán phải giải quyết của cơ quan tiến hành tố tụng!
#Luật sư NBSG
#Luật sư Miền đông
Chia sẻ hoặc để lại quan điểm của bạn tại phần bình luận: