Mục lục
Cháy xe đang tạm giữ trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?
Sự việc:
Ngày 6-6, tại kho chứa xe tang vật và phương tiện vi phạm giao thông thuộc phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức một vụ hỏa hoạn lớn. Ước tính có hơn 2000 xe máy và nhiều ô tô các loại bị cháy hoàn toàn. Tại hiện trường chỉ còn lại những chiếc xe còn trơ khung, không thể sửa chữa.
Trước đó ngày 22-5, tại bãi tạm giữ phương tiện vi phạm Công an phường Tân An thuộc phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cũng xảy ra vụ cháy nghiêm trọng khiến hơn 140 xe mô tô, xe gắn máy hư hỏng nặng. Nguyên nhân vụ cháy vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Ai phải bồi thường cho chủ xe?
Căn cứ quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 9 Nghị định 138/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu và giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính thì “người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ”. Trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ hư hỏng thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể các chủ thể này phải bồi thường theo chế định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định tại Bộ luật Dân sự 2015;
+ Trách nhiệm bồi thường: theo khoản 5 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2020) thì: “Người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị mất, bán trái quy định, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.”
+ Trường hợp ngoại lệ: Căn cứ khoản 2 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại”. Nếu cơ quan chứng năng xác định nguyên nhân vụ cháy là do các sự kiện bất khả kháng (lũ lụt, động đất, núi lửa, chiến tranh…) thì không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ phương tiện.
Truy cứu trách nhiệm hình sự khi nào?
Để làm rõ trách nhiệm trong trường hợp này thì cần phải chờ kết luận của cơ quan điều tra. Điều này nhằm xác minh được nguyên nhân sự việc, làm rõ yếu tố lỗi của tổ chức, cá nhân có liên quan. Trường hợp nguyên nhân các vụ hỏa hoạn do hành vi nguy hiểm của cá nhân gây ra thì ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự, tội phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự cho các chủ phương tiện. Trường hợp vụ cháy xảy ra do việc bảo quản, quản lý tài sản không đảm bảo các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy thì cá nhân, tổ chức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể:
+ Vụ hỏa hoạn được xác định do chủ thế có hành vi cố ý (đốt/phóng hỏa) thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (Điều 178 Bộ luật hình sự);
+ Đối với cá nhân, tổ chức của đơn vị bãi kho do không đảm bảo các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy gây cháy xe tang vật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” (Điều 313 Bộ luật hình sự).
Như vậy, trách nhiệm điều tra nguyên nhân vụ cháy phải được nhanh chóng làm rõ từ đó đơn vị quản lý phương tiện thực hiện trách nhiệm liên quan đến các tài sản của người dân bị hủy hoại./.